Nhìn lại tình hình tài chính năm cũ và thiết lập kế hoạch tài chính cho bản thân năm mới là công việc vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, khi triển khai một kế hoạch dài hạn, nhiều người cảm thấy hoang mang khi không biết bắt đầu từ đâu và nên xây dựng theo những bước như thế nào là phù hợp với bản thân. Hãy cùng Shinhan Finance cùng tìm hiểu 9 bí quyết lên kế hoạch hiệu quả trong bài viết này nhé.
1. Nhìn lại tình hình tài chính của bản thân trong năm cũ
Việc làm tưởng chừng như nhỏ này sẽ mang đến cho bạn nhiều giá trị, lợi ích hơn bạn nghĩ. Điều này sẽ giúp bạn đánh giá lại quá trình chi tiêu chưa hợp lý của năm vừa qua, rút ra kinh nghiệm của những lần “vung tay quá trán” để không mắc phải sai lầm trong năm mới.
Bạn có thể thử 3 bước sau để “nhìn lại” năm cũ hiệu quả:
⦁ Bước 1: Thống kê lại các khoản mục bạn thu về và chi ra. Bạn có thể chia ra theo tháng hoặc quý để cụ thể hơn.
⦁ Bước 2: Bạn có thấy điều gì bất thường không. Bạn nhìn xem tình hình tài chính hiện tại thặng dư hay thâm hụt. Bạn xem xét xem có lúc nào mình đã chi ra một khoản quá lớn mà không mang lại lợi ích gì hay không. Hơn nữa, bạn có thể đánh giá xem đáng lý mình nên đầu tư vào mảng nào nhiều hơn hay ít hơn.
⦁ Bước 3: Ghi chú lại những bài học cho bản thân trong năm tới. Nhà triết học Heraclitus đã chỉ ra rằng: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Bản thân bạn lớn lên, già đi mà cứ mắc lại những lỗi nghiêm trọng đã cũ thì quả là đáng buồn!
2. Lập bảng tính chi tiết về ngân sách và các khoản thu chi
Lâp bảng thu chi sẽ giúp bạn quan sát được bức tranh tổng quát về tình hình tài chính thực tế của bản thân, từ đó lên kế hoạch quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Bạn có thể phân bố thu nhập của mình vào các mục sau:
⦁ Chi phí ăn uống
⦁ Chi phí sinh hoạt (thuê nhà, điện, nước, …)
⦁ Chi phí đi lại (xăng, xe)
⦁ Chi phí giải trí (đi chơi, cafe, tiệc tùng)
⦁ Tiết kiệm
Hiểu rõ tình trạng tài chính cá nhân và phân bổ hợp lý là bước đầu tiên để bạn tiến gần hơn đến tự do tài chính. Ngày nay, bạn có thể theo dõi tài chính cá nhân rất dễ dàng, giấy bút không còn là lựa chọn duy nhất nữa. Có rất nhiều ứng dụng điện thoại giúp bạn có thể quản lý tài chính cá nhân hữu ích, tiện lợi như: Money Lover, Misa…
3. Đặt ra mục tiêu dài hạn (6 tháng/ 1 năm)
⦁ Mục tiêu về nhà cửa: Ở khoảng thời gian nào trong tương lai, bạn muốn chuyển đến ở một căn chung cư rộng hơn hoặc tích lũy mua một mảnh đất, hãy dành một khoản cho mục tiêu này.
⦁ Mục tiêu về nhu cầu sống: Năm nay bạn muốn đi đâu du lịch, tận hưởng những thú vui giải trí gì, mua sắm thiết bị tiện ích gì. Số tiền dành cho các khoản này cũng cần được nghĩ đến.
⦁ Mục tiêu về hưu: Cân nhắc nhu cầu của bạn khi về hưu, bạn sẽ về hưu một cách “xa hoa” như định kỳ đi du lịch hay giản dị như chỉ cần có khoản phòng bị khi ốm đau. Các chuyên gia từ CNBC khuyên rằng chúng ta nên dành 10 đến 15% thu nhập mỗi năm để dành làm quỹ hưu trí cho bản thân.
⦁ Mục tiêu về học hành: Năm nay bạn sẽ gửi con đến trường nào, cho con học thêm gì. Không được để lẫn lộn khoản dành cho hưu trí với khoản tiết kiệm dành cho con cái lúc học đại học. Không phải đứa trẻ nào cũng đủ khả năng dành một khoản học bổng để đỡ tiền cho cha mẹ.
4. Ước lượng thu nhập trong năm
Bên cạnh các khoản chi thường xuyên, hãy liệt kê những thứ bạn có thể làm để gia tăng thu nhập. Nhìn chung có 3 nguồn cho thu nhập của bạn năm nay:
Công việc chính: Các khoản lương, thưởng, làm thêm ngoài giờ trong năm dự kiến là bao nhiêu. Liệu bạn có được tăng lương trong tương lai gần.
Kinh doanh thêm: Kế hoạch tài chính của bạn có thể bao gồm việc bắt đầu một công việc kinh doanh tại nhà, hoặc làm nghề tay trái dựa vào chính các sở thích hoặc điểm mạnh của bạn.
Đầu tư: Đầu tư là hoạt động có thể khiến những khoản tiền nhàn rỗi của bạn tiếp tục sinh sôi. Bạn hãy xem các lời khuyên từ giới chuyên gia về việc năm nay nên đầu tư vào đâu, như chứng khoán, vàng, hay nhà đất, trái phiếu…
5. Ưu tiên lập kế hoạch trả nợ
Nếu như bạn đang có những khoản nợ vừa phát sinh, khi năm mới tới, hãy nghĩ đến chúng đầu tiên. Không phải khoản nợ nào cũng như nhau nên hãy tạo một danh sách, lên kế hoạch ưu tiên cho những khoản nợ có mức lãi suất cao và thời gian thanh toán ngắn hạn để trả trước cho dứt điểm. Không trả sớm, những khoản nợ lãi suất cao đó sẽ kéo theo những rắc rối tài chính liên quan tới cả những khoản nợ còn lại.
6. Cân nhắc những thói quen chi tiêu “quá đà”
Xem ngân sách của bạn là một trọng tài và quyết định xem những khoản chi nào không cần thiết, lãng phí và nằm ngoài mục tiêu của bản kế hoạch tài chính. Ví dụ, bạn mua thẻ tập gym giá hàng triệu đồng mỗi tháng nhưng lại ít khi có thời gian đi tập thì cần hủy ngay.
7. Nghiêm túc với kế hoạch tiết kiệm
Khi đã có một ngân sách ổn định hàng tháng, chắc chắn chúng ta sẽ thấy những khoản dư ra và chưa có nhu cầu dùng tới. Thay vì dùng số tiền dư đó một cách phung phí, hãy lập một sổ tiết kiệm tại ngân hàng phòng khi cần tới. Hoặc dùng số tiền đó để mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm giáo dục cho con cái… Mua bảo hiểm vừa là cách tiết kiệm hiệu quả, vừa là cách để phòng xa trong những trường hợp rủi ro khẩn cấp.
8. Đầu tư thông minh
Cùng với việc quản lý và tiết kiệm tiền, thì lên kế hoạch chiến lược đầu tư trong năm mới sao cho hiệu quả cũng là một mục tiêu quan trọng. Không chỉ là sự đầu tư tiền bạc mà còn là đầu tư thời gian, chất xám và công sức để tìm hiểu những khoản nào là phù hợp với bản thân và gia đình. Cần lưu ý không đầu tư quá nhiều vào 1 lĩnh vực để phòng ngừa rủi ro.
Suy cho cùng, yếu tố con người mới là quan trọng nhất. Vậy nên hãy đầu tư cho những mối quan hệ, cho con cái học hành, đầu tư nâng cao trình độ… Những khoản đầu tư đó mới thực sự thông minh và có giá trị lâu dài.
9. Đặt khung thời gian để hoàn thành mục tiêu
Hãy chia mục tiêu thành các mục nhỏ hơn, bắt đầu từ các mục tiêu cần làm ngay (như thay mới tủ lạnh) sau đó là các mục tiêu xa hơn như mua nhà. Với các mục tiêu dài hạn, cần có khung thời gian ngắn hạn, dài hạn để hoàn thành từng phần mục tiêu.