Điểm tín dụng ảnh hưởng như thế nào đến khả năng vay tiền?
Trang chủ>Bản tin>Điểm tín dụng ảnh hưởng như thế nào đến khả năng vay tiền?>
10/3/2024

Điểm tín dụng ảnh hưởng như thế nào đến khả năng vay tiền?

Ngày nay, vay tiền từ các tổ chức tài chính dần trở nên phổ biến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng được chấp nhận vay, và điểm tín dụng là một trong những yếu tố quyết định quan trọng. Vậy điểm tín dụng là gì, nó ảnh hưởng thế nào đến khả năng vay tiền của bạn? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về điểm tín dụng và cách cải thiện để nâng cao khả năng vay vốn.

Điểm tín dụng CIC là gì?

Điểm tín dụng CIC là gì?

Khái niệm

CIC (Credit Information Center) là Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chức năng chính của đơn vị này là thu thập, lưu trữ, phân tích và dự báo thông tin tín dụng của các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam. Từ đó, CIC hỗ trợ giảm thiểu rủi ro cho quá trình vay và quản lý tín dụng của các tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Điểm tín dụng CIC (là một con số phản ánh mức độ tín nhiệm của một cá nhân dựa trên lịch sử tín dụng của họ. Điểm tín dụng được các tổ chức tín dụng, như ngân hàng hoặc các công ty tài chính, sử dụng để đánh giá khả năng thanh toán của bạn khi bạn vay tiền. Nó giống như một "báo cáo tài chính cá nhân", cho biết bạn có đáng tin cậy hay không trong việc hoàn trả các khoản vay. Vậy đâu là những yếu tố quyết định “bảng báo cáo tài chính cá nhân” là tốt hay xấu?

Các yếu tố ảnh hưởng đến điểm tín dụng

  • Lịch sử thanh toán: nếu bạn thanh toán các khoản nợ đúng hạn và không để xảy ra nợ quá hạn, điểm tín dụng của bạn sẽ cao. Đây được xem là yếu tố quan trọng nhất.
  • Tổng khoản vay: Tổng khoản vay cao so với thu nhập sẽ khiến các tổ chức tài chính đánh giá bạn là có rủi ro cao hơn, từ đó ảnh hưởng đến điểm tín dụng. Tỷ lệ nợ trên hạn mức tín dụng có sẵn đóng vai trò quan trọng. Nếu bạn sử dụng nhiều hơn 30% hạn mức tín dụng của mình, điểm tín dụng có thể bị ảnh hưởng xấu.
  • Thời gian mở tài khoản tín dụng: lịch sử tín dụng càng dài, các tổ chức tài chính càng có cơ sở đánh giá mức độ ổn định của bạn.
  • Số lượng tài khoản tín dụng mới mở: nếu bạn mở nhiều tài khoản tín dụng trong thời gian ngắn, điểm tín dụng có thể bị ảnh hưởng xấu do có thể được coi là dấu hiệu của việc phụ thuộc vào các khoản vay.

Vậy đâu là thang điểm đánh giá điểm tín dụng

Điểm tín dụng thường được chấm trên thang điểm từ 150 - 750, trong đó:

  • Từ 150 - 321: điểm tín dụng thấp, nhóm khách hàng có rủi ro cao, khả năng thu hồi vốn thấp (khoản vay quá hạn trên 360 ngày) và không đủ điều kiện để vay.
  • Từ 322 - 430: điểm tín dụng khá thấp, nhóm khách hàng có rủi ro cao (khoản vay quá hạn từ 180 - 360 ngày) và không đủ điều kiện để vay.
  • Từ 432 - 569: điểm tín dụng trung bình, (khoản nợ quá hạn từ 90-180 ngày) và thường phải chịu lãi suất vay tương đối cao.
  • Từ 570 - 679: rủi ro thấp, khách hàng có khả năng trả nợ đúng hạn, đủ điều kiện vay, được xét duyệt lãi suất thấp.
  • Từ 680 - 750: Rủi ro rất thấp, đây là nhóm khách hàng có điểm tín dụng lý tưởng, đủ điều kiện vay, lãi suất thấp và được phê duyệt hạn mức vay cao.

Vậy làm sao để tra cứu số điểm tín dụng của mình, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu tiếp nhé!

Chủ động tra cứu điểm tín dụng như thế nào?

Để kiểm tra thông tin tín dụng, bạn có thể thực hiện theo các bước sau tại cổng thông tin Trung Tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam – CIC.

Chủ động tra cứu điểm tín dụng như thế nào?

Bước 1: Truy cập trang web chính thức của CIC: https://cic.gov.vn

Bước 2: Đăng ký tài khoản bằng cách nhấn chọn Đăng ký ở góc trên cùng bên phải

Bước 3: Điền đầy đủ thông tin như yêu cầu, gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ, ảnh chụp 2 mặt CCCD/CMND và ảnh chụp chân dung.

Bước 4: Sau khi hoàn tất việc điền thông tin, bạn sẽ nhận được 1 mã xác thực OTP được gửi về số điện thoại. Bạn điền mã OTP đó vào và chọn “ Đồng ý” với các điều khoản đăng ký. Lúc này, hệ thống sẽ nhận thông tin của bạn và bắt đầu xác thực tài khoản, thời gian xác thực sẽ mất khoảng 2-3 ngày.

Bước 5: Sau khi đã hoàn tất quá trình xác thực tài khoản, bạn đăng nhập bằng tên tài khoản và mật khẩu đã đăng ký. Sau đó tiến hành tra cứu điểm tín dụng tại phần thông tin cá nhân.

Trên đây là một số thông tin bạn cần biết về điểm tín dụng, để tìm hiểu mức độ “tương tác” giữa điểm tín dụng và khả nay vay, vậy khả năng vay tiền là gì, cùng tìm hiểu nhé!

Khả năng vay tiền là gì?

Khả năng vay tiền là khả năng mà một cá nhân có thể tiếp cận với các khoản vay từ ngân hàng, công ty tài chính hoặc các tổ chức cho vay khác. Nó được xác định dựa trên nhiều yếu tố, trong đó điểm tín dụng là yếu tố quan trọng nhất. Ngoài ra, các tổ chức tài chính còn xem xét một số yếu tố khác để đánh giá khả năng trả nợ của bạn như:

  • Thu nhập: mức thu nhập hàng tháng của bạn có đủ để trang trải các khoản vay và chi phí sinh hoạt hay không?
  • Lịch sử tín dụng: các khoản vay trước đây của bạn có được thanh toán đúng hạn không? Bạn có từng có khoản nợ chưa hoàn tất hay hoàn tất chậm trễ hay không?
  • Tình hình tài chính hiện tại: bạn có đang phải trả nhiều khoản vay khác không? Bạn có gặp khó khăn về tài chính gần đây không?

Nếu bạn có điểm tín dụng tốt, thu nhập ổn định và lịch sử tín dụng sạch sẽ, khả năng được duyệt vay của bạn rất cao. Ngược lại, nếu các yếu tố trên không tốt, khả năng vay tiền sẽ giảm, hoặc nếu được vay, bạn có thể phải đối mặt với mức lãi suất cao hơn và các điều kiện vay khó khăn hơn.

Hãy cùng chúng tôi làm rõ các chi tiết hơn về sự ảnh hưởng của điểm tín dụng lên khả năng vay nhé.

Điểm tín dụng ảnh hưởng thế nào đến khả năng vay tiền?

Điểm tín dụng ảnh hưởng thế nào đến khả năng vay tiền?

Như đã đề cập ở trên, điểm tín dụng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định khả năng vay tiền của bạn. Các tổ chức tài chính sử dụng điểm tín dụng để đánh giá mức độ rủi ro khi cho bạn vay, từ đó quyết định có nên duyệt khoản vay hay không và nếu có, sẽ áp dụng mức lãi suất nào.

Điểm tín dụng cao sẽ có lợi cho việc vay vốn

Nếu bạn có điểm tín dụng cao, bạn sẽ nhận được được một số lợi ích như:

  • Dễ dàng được phê duyệt hồ sơ vay: với điểm tín dụng tốt từ 570 đến 750 điểm thì bạn có khả năng cao được duyệt vay mà không gặp nhiều khó khăn
  • Lãi suất thấp hơn: các công ty tài chính sẽ tin tưởng bạn hơn và thường áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho những người có điểm tín dụng cao. Điểm tín dụng tốt có thể giúp bạn tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình trả nợ.
  • Điều kiện vay thuận lợi: không chỉ hưởng lãi suất thấp, người vay có điểm tín dụng cao còn có cơ hội tiếp cận với các gói vay có điều kiện vay linh hoạt hơn, như thời gian vay dài hơn hoặc số tiền vay lớn hơn.

Điểm tín dụng thấp gây rủi ro và hạn chế

Ngược lại, nếu điểm tín dụng của bạn thấp, bạn sẽ gặp khó khăn khi vay tiền:

  • Khó khăn trong việc được duyệt vay: các tổ chức tài chính thường có khả năng từ chối hồ sơ vay của những người có điểm tín dụng thấp do lo ngại rủi ro.
  • Lãi suất cao: nếu được duyệt vay, người vay có thể đối mặt với mức lãi suất cao hơn bình thường, bởi các tổ chức tài chính muốn bù đắp rủi ro thông qua việc tăng chi phí vay.
  • Hạn mức vay thấp: những người có điểm tín dụng thấp thường chỉ được duyệt vay ở hạn mức thấp hơn so với nhu cầu thực tế của họ.

Vậy có cách nào để cải thiện điểm tín dụng nếu đang rơi vào trường hợp có lịch sử tín dụng không tốt?

Mách bạn bí kíp cải thiện điểm tín dụng

Mách bạn bí kíp cải thiện điểm tín dụng

Đối với những khách hàng đang có điểm tín dụng ở mức chưa tốt, dưới đây là những lời khuyên hữu ích để người vay cải thiện điểm số này:

  • Thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản vay đúng hạn: việc đảm bảo thanh toán đúng hạn các khoản vay hiện tại là rất quan trọng. Điều này cho thấy khả năng và ý thức trả nợ của bạn, giúp tăng cường điểm tín dụng của bạn.
  • Giữ tỷ lệ nợ thấp: nên giữ tỷ lệ nợ trên tổng hạn mức tín dụng dưới 30%. Điều này cho thấy bạn quản lý tài chính tốt và không phụ thuộc quá nhiều vào các khoản vay. Tỷ lệ nợ có thể tra cứu tại CIC.
  • Không mở nhiều tài khoản tín dụng trong thời gian ngắn: khi mở quá nhiều tài khoản tín dụng mới có thể làm giảm điểm tín dụng, bởi điều này có thể khiến các công ty tài chính lo ngại bạn đang cần tiền gấp và không đủ khả năng trả các khoản vay.
  • Không đứng tên làm hồ sơ vay thay thế người khác: việc đứng tên làm hồ sơ vay hộ người khác là việc làm rủi ro rất cao cho bản thân khách hàng. Rất nhiều trường hợp vay hộ khiến khách hàng rơi vào trạng thái nợ xấu khi không thanh toán nợ đúng hạn. Vì vậy, tuyệt đối không nên thực hiện việc này.
  • Theo dõi điểm tín dụng thường xuyên: Kiểm tra báo cáo tín dụng định kỳ để biết tình trạng tài chính của mình. Điều này cũng giúp bạn phát hiện sớm các sai sót hoặc giao dịch phát sinh bất hợp lý.

Điểm tín dụng là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vay tiền của bạn.Việc duy trì điểm tín dụng cao giúp bạn có thể tiếp cận với các khoản vay một cách dễ dàng và với lãi suất tốt nhất. Bằng cách hiểu rõ và quản lý tốt tài chính cá nhân, bạn không chỉ cải thiện khả năng vay vốn mà còn xây dựng một nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai.

Hy vọng rằng với những thông tin trong bài viết này, hữu ích với bạn khi áp dụng vào việc quản lý tài chính của mình.


Đọc tiếp